Bạn đang xem: Trang chủ » Tin tức - Thông báo » Thông tin về giáo dục » Công nghệ thông tin và phương pháp tự học

Thông tin về giáo dục

Công nghệ thông tin và phương pháp tự học

Ngày đăng: 07/04/2014 - Lượt xem: 1619 In trang
Tại Hội thảo đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực do trường Đại học Quảng Nam tổ chức mới đây, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và phương pháp tự học, tự nghiên cứu là hai  nhóm vấn đề được nhiều nhà khoa học quan tâm nhiều nhất.
 

Đổi mới phương pháp dạy học không phải là vấn đề mới đối với giáo dục nhưng hiện tại vẫn thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Vì vậy,  Hội thảo đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực đã thu hút sự tham gia của nhiều cán bộ giảng dạy đến từ các trường đại học, cao đẳng khu vực miền Trung. 35 tham luận của của các nhà khoa học, nhà giáo dục đang công tác tại Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Đại học Phạm Văn Đồng, Đại học Quảng Nam và Tổ chức Hợp tác phát triển và hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla - măng - Vương quốc Bỉ (VVOB Việt Nam) tham gia hội thảo cho thấy  sự quan tâm rất lớn đối với vấn đề “cũ mà mới” này. 

Ứng dụng công nghệ thông tin

Sự phát triển nhanh chóng của CNTT đã “ăn sâu” vào mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục. Nói cách khác, giáo dục hiện nay được coi là lĩnh vực đi đầu trong việc ứng dụng CNTT, trong đó có việc ứng dụng vào giảng dạy và học tập. Do đó, có đến phân nửa tham luận tại hội thảo đã nhấn mạnh đến vai trò, vị trí và tầm quan trọng của CNTT, triển khai các phần mềm cũng như tiện ích mà Internet mang lại cho người dạy cũng như người học. Tiến sĩ Trần Thị Mai Đào (trường Đại học Phạm Văn Đồng - Quảng Ngãi) cho biết; trường đã thực hiện dạy học bằng Webquest (có thể hiểu là một trang web trợ giúp học tập, trong đó các nội dung học tập được đưa ra dưới dạng câu hỏi, đồng thời cung cấp nguồn tài liệu tham  khảo (chủ yếu từ Internet) để người học truy cập thông tin và trả lời câu hỏi đó). “Qua kết quả thực hiện thời gian qua, chúng tôi thấy rằng sử dụng dạy học bằng Webquest có nhiều ưu điểm trong việc khai thác thông tin trên Internet, khả năng làm việc nhóm, tạo nên hứng thú cho sinh viên học tập, phát huy tính tích cực, tự học của sinh viên” - tiến sĩ Đào kết luận.

 

(  Hội

 thảo đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực do trường Đại học Quảng Nam tổ chức thu hút sự quan tâm của nhiều người.)

 

 

Nhiều tác giả cũng chia sẻ những thành công, khó khăn và kinh nghiệm bước đầu trong việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy các môn chuyên ngành với các phần mềm như Powerpoint  của Lê Thị Hiền và Nguyễn Văn Sang (Đại học Sư phạm Đà Nẵng), thạc sĩ Nguyễn Thị Phước Trà (Đại học Quảng Nam), Hot Potatoes  của thạc sĩ Nguyễn Thị Trung (Đại học Quảng Nam), Mindmap của các thạc sĩ Bùi Thị Lân, Trần Thị Phú, Huỳnh Thị Thu Hậu (Đại học Quảng Nam)… Theo hai tác giả Lê Thị Hiền và Nguyễn Văn Sang, với Powerpoint, giáo viên có thể khai thác, sử dụng kênh hình,  kênh chữ, các tài liệu thông tin khác nhằm tăng tính trực quan trong giờ dạy, tạo hứng thú và kích thích sự tập trung của sinh viên vào bài giảng. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Phong (Đại học Quảng Nam) giới thiệu một số mô phỏng hỗ trợ dạy và học môn toán với các khái niệm có đại lượng biến thiên như giới hạn, đạo hàm, tích phân. “Dạy học sử dụng mô phỏng giúp người học tiếp xúc với hình ảnh động, trực quan, tạo thích thú trong tiết học và hiểu sâu kiến thức hơn. Đồng thời, giúp cho người thầy tiết kiệm thời gian trình bày trên bảng, dành thời gian tiếp xúc với học sinh” - thạc sĩ Phong kết luận.

Tự học, tự nghiên cứu

Một trong những nội dung của đổi mới phương pháp dạy học mà lâu nay người ta hay nói nhiều là tạo điều kiện cho người học “tính tự học, tự nghiên cứu”. Nói thì vậy, nhưng tạo điều kiện ra sao và bằng phương pháp nào mới là điều đáng bàn.

Tiến sĩ Lê Duy Phát - Quyền Hiệu trưởng trường Đại học Quảng Nam đã đem đến hội thảo một đề tài rất lạ bằng thuật ngữ “dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề”. Theo tiến sĩ Phát, “dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề” là phương pháp dạy học phi truyền thống, trong đó giáo viên tạo ra những tình huống có vấn đề, điều khiển học sinh phát hiện vấn đề, hoạt động tự giác và tích cực giải quyết vấn đề, thông qua đó mà lĩnh hội tri thức, phát triển kỹ năng. “Dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề dựa trên cơ sở lý luận khá toàn diện của nhiều ngành triết học, tâm lý học và giáo dục học. Về mặt triết học, cách dạy này phù hợp với quy luật mâu thuẫn là động lực thúc đẩy quá trình  phát triển; phù hợp với tâm lý học vì con người chỉ bắt đầu tư duy tích cực khi nảy sinh nhu cầu tư duy do đứng trước khó khăn về nhận thức; về mặt giáo dục học thì cách dạy này phù hợp với nguyên tắc tự giác và tích cực” - tiến sĩ Phát lý giải.

Cùng chung mục tiêu “tạo cho  người học chủ động, tích cực”, thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Liên (Đại học Quảng Nam) nêu  vấn đề “dạy trên lớp như thế nào để sinh viên có thể tự học?”.  Sau khi nhấn mạnh đến 3 bước mà người thầy phải trải qua: chuẩn bị giáo án, dạy học trên lớp và kiểm tra, đánh giá thạc sĩ Liên cho rằng một quy trình thiết kế việc dạy trên lớp theo hướng bồi dưỡng năng lực tự học cho sinh viên như vậy sẽ giúp cho sinh viên tự học tốt. Ở một khía cạnh khác, vấn đề tạo cho sinh viên, học sinh thói quen và kỹ năng hoạt động nhóm cũng được nhiều tác giả nêu ra tại hội thảo. Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Vĩnh Linh và thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Thu (Đại học Quảng Nam), trong các phương pháp được sử dụng thì hoạt động nhóm tỏ rõ ưu điểm của mình như phát huy tính độc lập, tự tin cho người học; tạo cho sinh viên tinh thần chủ động học tập nên hiểu nhanh và nhớ lâu kiến thức.

TRƯƠNG XUÂN PHÚ( QNO)

 

 

 

Bình chọn
Thống kê truy cập
Đang online 6
Hôm nay 250
Tháng này 30.602
Tổng truy cập 8.432.171